Nghệ thuật thưởng trà trong văn hóa trà của người Việt

Nếu như rượu là nét đẹp của phương Tây thì với người Á Đông, tinh hoa văn hóa nằm ở những tách trà. Uống trà không còn chỉ là thói quen hàng ngày của người châu Á nói chung và người Việt nói riêng mà còn là nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của cả người pha trà và người thưởng trà. Bởi vậy, nghệ thuật thưởng trà luôn được những người hiểu về trà quan tâm. Trong văn hóa trà của người Việt, nghệ thuật thưởng trà trở thành tiêu chí để trà hữu cảm nhận trọn vẹn được hương vị của từng tách trà.

Đừng uống trà trong vội vã

Trong cuộc sống thường ngày, con người nhiều khi bị guồng quay vội vã của cuộc sống cuốn theo. Chúng ta luôn ở trong trạng thái hối hả, ít khi có thể bình tâm tĩnh lặng. Bởi vậy, nhiều người trong chúng ta chỉ đang coi trà như một công cụ giải khát không hơn không kém. Nhiều người uống trà mà vẫn giữ thói quen như uống những cốc trà đá vỉa hè. Cầm tách trà trên tay, không biết mùi hương của nó, không nhìn màu sắc của tách trà mà đã uống ực một ngụm lớn, sau cùng vẫn không lưu lại được gì ngoài cảm giác thỏa mãn sau cơn khát. Có nhiều ấm trà pha vội, cũng có nhiều tách trà uống chẳng kịp thẩm vị. Nghệ thuật thưởng trà cần sự tỉ mỉ và tinh tế chứ không hướng con người đến cách uống trà như vậy.

Nghệ thuật thưởng trà của người Việt

Các nước Á Đông vẫn luôn được coi là cái nôi của trà và cũng là nơi mà con người ta nâng việc uống trà lên thành một nét nghệ thuật độc đáo. Người Nhật có nghệ thuật thưởng trà cầu kỳ, quan trọng nhiều lễ nghi, được nâng lên thành trà đạo vang danh thế giới. Với đất nước Trung Hoa, dù không giữ những quy tắc chuẩn mực và khắt khe như trà đạo Nhật Bản, tuy nhiên sự đẹp mắt và tinh tế vẫn luôn được lưu tâm hàng đầu. Về đến Việt Nam, con người Việt đã đưa những điều cầu kỳ, những lễ nghi phức tạp cô đọng lại trong sự giản dị, gần gũi nhưng cũng không mất đi nét tinh tế.

Với người Việt, nghệ thuật thưởng trà trở nên giản dị nhưng không kém phần tinh tế

Trong văn hóa trà của người Việt, để thưởng thức được một tách trà ngon, mỗi người lại có một cách thưởng trà khác nhau, khó có thể so bì ai sành hơn ai. Có người chọn thưởng hương, người lại chọn vị, tuy nhiên tựu chung lại, nghệ thuật thưởng trà của người Việt được xem xét ở các yếu tố hương và vị. Người Việt đề cao và coi trọng hương vị và cảm giác khoan khoái, tĩnh tại mà tách trà mang đến, khác với văn hóa trà của các nước khác, coi trọng cái thẩm mỹ đến từ quy trình pha trà. Với người Việt, vị ngon trong lá trà, búp trà đến từ bản thân cây trà và cả từ cái tinh hoa nó hấp thụ từ đất trời.

Nâng tách trà trên tay, quan sát sắc nước và cảm nhận hương thơm của trà.

Hai yếu tố hương và vị được người thưởng trà cảm nhận được rõ nhất ở ba lần nước đầu tiên. Trong nghệ thuật thưởng trà của người Việt, trà ngon nhất thiết phải được thưởng thức trong vòng ba nước đổ lại. Ở lần nước đầu tiên, ta thưởng hương của trà. Cầm tách trà trên tay, đừng uống nó một cách vội vàng mà hãy thử cảm nhận hương thơm nhè nhẹ lan tỏa ở quanh miệng tách trà. Hương thơm của trà tùy vào từng loại sẽ cho người thưởng cảm nhận được những đặc trưng khác nhau. Nhiều khi nó cũng hé lộ được đặc điểm vùng đất trồng trà, khí hậu của mỗi loại.

Những tách trà ngon cần được thưởng thức trong sự tĩnh tâm.

Đến lần nước thứ hai, người ta sẽ chú ý đến vị của trà. Sau lần nước đầu mới “tráng” qua các lá trà, mới chỉ dậy hương mà chưa rõ vị thì lần nước thứ hai mang đến vị được cho là đặc trưng và tinh nhất của loại trà được pha. Nhấp một ngụm trà, vị của nó lan tỏa trong miệng, ta như được nếm vị thanh khiết của đất trời. Ở lần nước thứ ba, đây cũng là khi mà người thưởng trà cảm nhận sự hòa quyện của cả hương và vị của trà và những dòng suy ngẫm được ngụm trà mang lại. Nghệ thuật thưởng trà không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn ở các nước Á Đông gọi đó là “tác ý”. Trong nghệ thuật thưởng trà của Nhật Bản, nó còn được gọi là “minh triết”. Thưởng trà ở lần nước thứ ba cho người ta cảm giác như được “gột rửa”, trút bỏ những lắng lo, gánh nặng của bộn bề cuộc sống, đưa con người trở về với bản ngã chân thật. Nước trà như một phương thức đưa đường cho người thưởng trà về với sự an định trong tâm hồn. Những người biết thưởng trà sẽ dừng ở lần châm nước thứ ba này mà không uống thêm lần nước nào nữa. Bởi vậy mới nói, rót chén trà thơm mời ba nước.

Đối với người Việt, trà Việt có đầy đủ giá trị vật chất, tinh thần và luôn hiện hữu trong đời sống hàng ngày, trở thành văn hóa trà của người Việt. Trà có đời sống riêng, có những câu chuyện từ trà mà có, có những chân lý nhờ trà mà người ta tìm thấy. Để hiểu được “người bạn” trà này cũng như hiểu chính bản thân, nghệ thuật thưởng trà là chất dẫn hữu hiệu cho người thưởng trà. Đừng uống trà trong vội vã mà hãy tỉ mỉ, trân quý coi nó như một tác phẩm nghệ thuật. Đó chính là bản chất của nghệ thuật thưởng trà.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tìm cửa hàng
Gọi trực tiếp
Chat ngay
Chat trên Zalo