Để trải nghiệm thực thụ văn hoá trà đạo và cảm nhận nghệ thuật thưởng trà Việt Nam, bạn cần học hỏi “tuyệt kỹ” pha trà từ những quý trà sư. Năm trong số những nguyên tắc quan trọng nhất đó chính là “Nhất thủy – nhị trà – tam pha – tứ ấm – ngũ quần anh”. Để tìm hiểu sâu hơn, mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Ý nghĩa của nghệ thuật thưởng trà tại Việt Nam
Trà là một thức uống quen thuộc của đại bộ phận người Việt. Văn hoá thưởng trà tại nước ta đã được phát triển từ hàng ngàn năm, ăn sâu vào trong tâm trí của nhiều thế hệ. Một tách trà thơm ngon có thể đem lại cảm giác hưng phấn về tinh thần, cải thiện cảm xúc tích cực và nâng cao sức khoẻ thể chất cho người thưởng thức.
Thưởng thức trà không đơn thuần là việc uống cạn một chén trà mà còn đòi hỏi kiến thức và sự nhạy cảm, tinh tế của người dùng đối với hương thơm, hậu vị và những cảm xúc đi kèm. Để cảm nhận giá trị cốt lõi của văn hoá trà Việt, đôi khi con người ta phải sống chậm lại, khoan thai và ý nhị, nhờ vậy mới có thể “chạm” tới đỉnh cao của cái đẹp tâm hồn thanh khiết.
Phong trà (phong cách uống trà) tại Việt Nam ngày nay đa dạng và phong phú hơn so với thời xưa. Chúng không mang quy chuẩn hoặc những phép tắc lễ nghi quá cứng nhắc, do đó tạo điều kiện để những người yêu trà đến gần hơn với phong trà hiện đại, đồng thời cũng là cơ hội để văn hoá trà đạo Việt Nam lan toả một cách rộng rãi hơn trong cộng đồng.
Nghệ thuật “Nhất thủy – nhị trà – tam pha – tứ ấm – ngũ quần anh”
“Nhất thủy – nhị trà – tam pha – tứ ấm – ngũ quần anh” dường như đã trở thành một nguyên lý không thể chối cãi trong giới trà đạo. Mỗi bước pha trà tỉ mỉ đều có thể phản ánh được văn hoá và truyền thống riêng biệt của dân tộc ta, do đó khi con người cảm thụ được nguyên lý này, áp dụng thành công vào việc pha trà thì sẽ tạo nên một thức uống tuyệt vời, ý nhị, đầy tinh tế.
Thứ nhất, nước pha trà
Theo truyền thống pha trà được truyền lại từ cha ông ta, muốn thức trà thơm ngon, chuẩn vị thì cần sử dụng nước đầu nguồn tinh khiết để pha. Cầu kỳ hơn nữa, người ta còn sử dụng nước sương còn đọng lại trên lá sen mỗi buổi sớm mai, sau đó đun bằng ấm đất trên lò. Nước pha trà không được quá nóng, chỉ vừa đủ sôi, tốt hơn hết nên pha với nước có nhiệt độ khoảng 85 – 90 độ C. Chúng sẽ giúp trà nở vừa đủ, không bị quá nồng (cháy trà).
Thứ hai, chọn loại trà
Việc chọn trà có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định tách trà đó thơm ngon, đượm vị hay không. Những thức trà ngon, hảo hạng nhất trên thị trường hiện nay có thể kể đến như trà Long Nham, trà Khiết Nhi, trà An Tước, trà Ô long Thanh Hiên… Chúng được thu hái, sao chế tỉ mẩn bởi bàn tay của những nghệ nhân trà có nhiều năm kinh nghiệm. Đây là thức trà tuyệt phẩm, được sử dụng như những loại “thần dược” tốt cho sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần.
Có 2 loại trà phổ biến hiện nay đó là trà tươi và trà khô. Trà xanh tươi có hương vị chan chát, xen chút ngọt ở đầu lưỡi, nước trà xanh và hương thơm rõ rệt. Trà khô có ưu điểm dễ bảo quản, dễ ướp hương, lại có thể tạo vị trà đậm đà, khó quên. Tuỳ thuộc vào sở thích cá nhân mà người dùng có thể chọn trà tươi hoặc trà khô, tuy nhiên những loại trà được chọn phải đảm bảo tiêu chí chất lượng, giữ được hương thơm nguyên bản và được bảo quản đúng cách.
Thứ ba cách pha, thứ tư chọn ấm
Nghệ thuật pha trà không chỉ nằm ở việc chọn trà, chọn nước. Chúng còn thể hiện ở tay nghề pha trà của nghệ nhân cũng như cách chọn ấm khi pha. Trà cụ chất lượng là loại được làm từ đất hồng sa, đất tử sa, đất dãy Hoàng Liên Sơn… Chúng đảm bảo giữ được hương vị trà lâu nhất, đồng thời thể hiện giá trị văn hoá lâu đời trong nghệ thuật thưởng trà Việt Nam.
Trước khi pha cần dùng nước sôi để tráng bình, ấm, tống và chén trà. Tất cả được thực hiện trên thuyền trà, sử dụng gắp tre để giữ vệ sinh. Thao tác này có tác dụng giúp bộ trà cụ sạch và nóng, đồng thời giúp nước trà khi pha được chuẩn vị hơn.
Khi cho trà vào ấm, cần chú ý lượng trà sao cho phù hợp, tránh lãng phí. Khi rót nước nóng vào ấm, người pha cần chú ý để nước ngập sâm sấp mặt trà, sau đó đổ đi sau vài giây để “rửa trà”. Nước đầu tiên của trà được tính từ lần pha sau khi đã rửa trà xong xuôi.
Lưu ý rằng sau mỗi lượt trà, người pha cần chắt nước ra tống, sau đó chia đều ra chén để đảm bảo vị trà không bị chỗ đậm, chỗ nhạt. Thông thường, vị trà đậm đà nhất, chuẩn vị nhất sẽ rơi vào lần nước thứ 3 hoặc thứ 4. Lúc này, trà đã đủ ngấm, hương vị cũng vì thế mà ngào ngạt khó quên.
Thứ năm, người cùng thưởng trà
Theo quan điểm của người xưa, bạn trà tâm giao sẽ là người bạn tri kỉ, có thể chia sẻ mọi điều phiền muộn, vui sướng trong cuộc sống thường nhật. Rót trà ra mời bạn cũng cần lưu ý, phải mời người lớn tuổi nhất, sau đó mới đến những người trẻ tuổi hơn. Đây là quan niệm “kính lão đắc thọ” của nhiều người Việt, phù hợp với văn hoá đặc trưng của dân tộc ta. Trà rót ra phải thưởng ngay khi còn nóng, tránh để nguội. Trong khi trò chuyện, cần để ý chén trà vơi hay đầy để “tiếp trà” cho đúng lúc, tránh tạo cảm giác “thiếu trà” nhâm nhi trong những câu chuyện dang dở.
Phong trà Việt Nam dù không quá cầu kỳ và câu nệ như văn hoá trà đạo tại các nước láng giềng nhưng cũng cần phải tuân theo những quy chuẩn và nguyên tắc nhất định. Để thưởng được một chén trà ngon, người ta đôi khi phải kỳ công chọn nước, chọn trà, chọn cách pha và trà cụ. Nghệ thuật thưởng trà đặc biệt này đã được lưu giữ từ ngàn đời, cho đến nay vẫn phát huy tác dụng và giá trị cốt lõi của chúng trong đời sống hiện đại. Đây chính là nét đẹp truyền thống trong văn hoá dân tộc, đồng thời là một hình thái nghệ thuật cần được gìn giữ và phát triển trong tương lai.